Một mùa xuân nữa lại đến, thay mặt cho Giáo hội Tin Lành Liên Hiệp Toàn Cầu Việt Nam kính gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể quý tôi tớ, con cái Chúa. Cầu xin ơn lành, phước lớn của Chúa tuôn tràn dư dật trên đời sống và gia đình của quý vị, cầu xin sự bình an và tình yêu thương của Cha Thiên Thượng ở cùng với quý vị trong mùa xuân mới cũng như trọn 1 năm mới sắp đến.
Nhìn lại quãng đường đời bạn đã đi qua, chắc chắn trong mỗi độ tuổi, trong mỗi thời kỳ khác nhau… chúng ta có những sự tìm kiếm không giống nhau! Tuổi đi học tìm kiếm kiến thức và hướng đi cho sự nghiệp. Tuổi cập kê tìm kiếm người phối ngẫu trăm năm. Khi có con cái tìm kiếm vật chất, nhu cầu cho cuộc sống và tiến dần đến tìm kiếm vinh hoa, danh vọng của đời này. Nhưng hỏi xem có mấy ai thoả lòng cho việc tìm kiếm của mình? Có những lúc có kiến thức uyên bác như Phao-lô, nhưng ông vẫn trống trải trong tâm linh cho đến khi ông gặp Chúa (Rô-ma 7:21 -25). Các nhà thông thái Đông Phương cũng có lúc bị lạc lối khi tìm kiếm Hài Nhi Giê-xu, vị Vua của dân Do Thái mới sinh, để thờ lạy! Vua Hê-rốt cũng tìm kiếm Con Trẻ ấy nhưng không thể gặp được! Và trải suốt hai ngàn năm lịch sử, có những người đã tìm Chúa và được gặp, nhưng có những người tìm kiếm và vẫn cứ mãi đi tìm. Chúng ta cùng suy ngẫm những vấn đề liên quan đến cuộc tìm kiếm này.
Tìm kiếm sai lạc
Điều sai lầm lớn nhất của chúng ta là thường loại bỏ Chúa trong cuộc tìm kiếm! Thường chúng ta nghĩ rằng nếu có đủ tri thức, khôn ngoan, điều kiện tốt … mình sẽ làm chủ hướng đi, sự nghiệp của mình. Cũng có khi sự tìm kiếm ấy giúp chúng ta thật sự thạnh vượng trong một giai đoạn nào đó, nhưng cuối cùng số phận của mình là gì ngoài hư không và hư mất?
Tuổi trẻ dễ bị lầm lạc trong những sự tìm kiếm, mà phổ biến nhất là tìm người phối ngẫu nếu không ưu tiên tìm kiếm Chúa trước hết. Bởi vì theo ham muốn của xác thịt, người ta dễ dàng tìm kiếm dựa theo những tiêu chuẩn như thật đẹp mắt, hấp dẫn, để rồi khi bước vào hôn nhân mới thấy những nguy hại khôn lường.
Trong sự kiện Chúa Giê-xu hạ sinh, các nhà thông thái Đông Phương đi theo ngôi sao lớn để tìm đến thờ lạy Hài Nhi Thánh. Nhưng khi họ dựa vào những kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân thay vì đi theo ánh sáng của ngôi sao, họ gặp phải vấn đề lớn. Họ cho rằng Thánh Vương hạ sinh phải ở nơi cung điện nguy nga, tráng lệ, từ đó dẫn đến sự sai lầm khi tìm đến Hê-rốt, và hậu quả là khiến cho vị vua Hê-rốt gian ác tiến hành âm mưu độc ác.
Khi vua Hê-rốt hay tin về Hài Nhi Thánh vừa ra đời, ông cũng muốn tìm kiếm nhưng không phải là để tin cậy, thờ phượng, nhưng là để giết hại vì lo sợ Con Trẻ này sẽ ảnh hưởng đến ngai vàng của mình.
Tìm Chúa thật lòng
Kinh Thánh trong Giê-rê-mi 29:13 chép, “Các ngươi sẽ tìm ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng”. Thật vậy, các gã chăn chiên trú ngoài đồng được các thiên sứ báo tin: “Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân. Ấy là hôm nay, tại thành Đa-vít, đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:9-10). Sau khi nhận lãnh dấu hiệu để đến nơi Con Trẻ sanh ra, đồng thời chiêm ngưỡng bài thần ca của các thiên sứ ngợi khen Chúa Hài đồng, với tấm lòng chân thật, khao khát tìm kiếm Chúa nên họ đã gặp được Cứu Chúa Giê-xu. Tấm lòng kiếm tìm Chúa thật là tấm lòng lắng nghe sứ điệp của thiên sứ truyền và với tấm lòng hướng đến mục đích duy nhất đó là được thờ tôn Chúa. Họ bỏ bầy chiên họ đang chăn lại trên đồng cỏ vì không điều gì có thể chi phối, ngăn trở họ khi Tin Mừng lớn cho muôn dân mà cũng cho chính họ.
Khi tìm gặp Chúa rồi, họ rất vui mừng và thuật lại mọi điều mà thiên sứ đã nói về hài nhi Giê-xu (Lu-ca 2:18). “Thuật lại” là kể lại tất cả những gì họ nhận được, hiểu được về tích “Con Trẻ Giê-xu” được sinh ra.
Những người chăn chiên tìm Chúa đêm Giáng sinh đầu tiên
Như người đàn bà tại Sa-ma-ri khi nhận biết Chúa là Đấng Christ, bà đã vui mừng chia sẻ cho cả làng về Đấng Christ, Đấng ban sự sống (Giăng 4). Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã tìm kiếm Chúa hết lòng chưa? Chúng ta đã gặp Chúa trong đời sống mình chưa? Chúng ta đã thuật lại ân điển diệu kỳ mà Chúa ban cho chúng ta với một ai chưa?
Mỗi đời sống chúng ta gặp Chúa cách cá nhân vì mỗi người được Chúa “tìm” gặp Chúa cách khác nhau. Do đó, mỗi câu chuyện gặp Chúa sẽ là những bài ca ca ngợi ân điển yêu thương của Chúa dành cho mỗi cá nhân cách kỳ diệu. Mỗi cá nhân hãy học cách thuật lại như các gã chăn chiên kể lại điều mình đã nghe và thấy. Chính Phao-lô khi ông được gặp Chúa trên đường Đa-mách, ông được thay đổi và ông luôn “thuật lại” câu chuyện gặp Chúa trong cuộc đời của ông. Vì ông biết chắc “Đức Chúa Giê-xu đã đến trong thế gian” và ông xác quyết mục đích Chúa đến trần gian để tìm và cứu vớt kẻ có tội và trong đó có chính ông (I Ti-mô-thê 1:15).
Chúa không chỉ mong muốn chúng ta tiếp nhận Chúa để trở nên tín hữu, trở nên con cái Chúa. Ngài còn mong đợi chúng ta trở nên môn đồ Chúa, nghĩa là những Cơ Đốc Nhân giống Chúa trong mọi phương diện của bản tính cao đẹp của Ngài. Giống Chúa trong sự yêu thương, nhân từ và thương xót kẻ khốn cùng. Giống Chúa trong công tác ra đi thuật lại những ân điển tốt lành Ngài dành cho nhân loại. Giống Chúa trong nếp sống ca ngợi và qua đời sống chúng ta mọi người nhìn thấy Chúa Giê-xu.
Nhận được phước khi tìm Chúa thật lòng
Các gã mục đồng xưa được phước khi tìm thờ Ngài. Họ chiêm ngưỡng vinh quang Hài Nhi Thánh. Họ được dự phần trong công tác rao báo “tin mừng” từ trời. Họ được thờ lạy Chúa Hài Đồng đầu tiên. Khi Chúa Giê-xu ở thế gian, bất kỳ ai tìm kiếm Chúa thật lòng đều được đáp ứng nhu cầu. Người bại bởi đức tin gặp Chúa được tha tội chữa lành (Lu-ca 5:17-26; Mác 2:1-12). Người teo tay được lành (Lu-ca 6:6-11). Người mù tại Giê-ri-cô hết lòng tìm Chúa mà nhận được sự thương xót và chữa lành của Chúa (Lu-ca 18:42).
Lời Chúa phán: “Chúa yêu mến những người yêu mến Chúa, phàm những ai tìm kiếm Chúa sẽ gặp Chúa” (Châm Ngôn 8:17). Lời Chúa luôn nhắc chúng ta rằng, điều trước hết chúng ta phải tìm đó là “nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” và chắc chắn mọi điều khác sẽ được Chúa ban cho (Ma-thi-ơ 6:33). Nguyện mong cuộc đời chúng ta luôn đặt Chúa tể trị trong mọi công việc, hướng đi, suy nghĩ của chúng ta. Đừng loại bỏ Chúa khỏi những kế hoạch của cuộc đời chúng ta. Đừng loại bỏ Chúa trong mọi tính toán của chúng ta trong đời sống. Hãy tìm kiếm ý muốn Chúa và chắc chắn Chúa sẽ trả lời mọi nhu cầu chúng ta vì Ngài là Đức Chúa Trời Toàn tri. Ngài biết trước tương lai chúng ta, còn chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra ngay cả một vài phút sau đó. Chúa yêu chúng ta và Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Đừng để lạc mất Chúa khi những lo toan, suy nghĩ riêng của mình làm buồn lòng Chúa.
Nhân mùa Giáng sinh năm nay, hãy tự hỏi bản thân “tôi đang tìm gì?” Tìm Chúa và tìm cách giúp người khác gặp Ngài hay chỉ tìm sự vui chơi của sự kiện lễ hội, tìm kiếm những bữa tiệc đình đám? Tìm cách chia sẻ Tin Mừng gặp Chúa của cuộc đời, hay tìm những y phục đẹp để gây ấn tượng với người khác…?
Cầu xin Chúa ban cho con thật sự tìm Chúa và gặp Ngài, tôn thờ Ngài mỗi ngày trong đời sống mình. Xin cho con biết tìm điều làm Chúa vui lòng, và tìm cách để giúp những người xung quanh có thể gặp Ngài, để mùa Giáng sinh này thật sự ý nghĩa với con và với những cuộc đời đang khao khát Ngài. Amen
Mùa Thương Khó – Phục sinh lại về giữa những đau thương, mất mát của nhân loại trên toàn cầu do dịch bệnh, chiến tranh, bất công, và đói nghèo. Đau khổ là một hiện thực không mong đợi của con người, và người con Chúa cũng như bao nhiêu người khác, đều khắc khoải, khao khát được giải cứu ra khỏi tình trạng khổ đau. Học tập thuận phục Chúa qua những khổ đau trong đời sống là điều không hề dễ dàng, nhưng đó là điều chính Chúa Giê-xu đã trải qua trong sự thống khổ của Ngài.
Thánh Kinh Hê-bơ-rơ 5:7 cho biết, “Khi còn sống trong thân xác, Đấng Christ đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện và nài xin đầy nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết; và bởi lòng thành kính, Ngài được nhậm lời.” Đấng Christ đã nài xin điều gì trong nước mắt và đã được nhậm lời? – Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài đã khẩn thiết kêu cầu rằng: Nếu có thể được, xin Cha cất chén khổ đau khỏi con, nhưng xin ý Cha được nên. Xin cho con thuận phục chương trình của Cha, uống chén đau khổ theo ý Cha! Lời cầu xin đó đã được nhậm khi Chúa Giê-xu vui lòng thuận phục, đón nhận tất cả những đau thương trong thân xác, tâm hồn và tâm linh, đi trọn con đường thương khó.
Bởi đó, trước giả thư Hê-bơ-rơ nhận định trong câu kế tiếp, “Mặc dù là Con, Ngài cũng đã học tập vâng lời qua những khổ đau mình đã chịu” (5:8) – Là Con Đức Chúa Trời, nghĩa là Ngài chính là Đức Chúa Trời, lẽ ra Ngài không phải chịu khổ đau. Khổ đau không phải là một phần trong bản chất của Đức Chúa Trời. Khổ đau là trải nghiệm Ngài mang lấy khi vâng lời Chúa Cha, chịu sai phái vào trong thế gian, thực hiện sứ mạng cứu con người ra khỏi tội lỗi và sự chết đời đời qua sự chết và sống lại của Ngài. Không có sự chết của Ngài thì không thể có sự đền tội và tha thứ cho con người. Thế nhưng, tại sao Đức Chúa Trời không chọn cái chết êm ái, ít khổ đau cho Chúa Cứu Thế Giê-xu? Tại sao Đấng Christ phải trải qua những khổ đau? Có ít nhất ba lý do.
Thứ nhất, Đấng Christ chịu khổ đau vì Ngài đã thật sự nhập thể và đồng nhất chính Ngài với con người. Chịu đau khổ là một hiện thực của con người trong thế giới sa ngã, và Ngài không thể làm một con người hoàn toàn mà không trải nghiệm hiện thực đó. Khổ đau là hậu quả của con người khi họ quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá yêu thương, sống theo ý riêng của mình, ở dưới quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Chúa Giê-xu chịu khổ đau khi làm người và mang lấy gánh nặng tội lỗi thay cho con người. Khổ đau không phải là mục đích mà là kết quả tất yếu trong sứ mạng làm người của Chúa Giê-xu, để có thể đồng nhất với con người và giải cứu con người. “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15).
Thứ hai, Đấng Christ chịu khổ đau vì Ngài gánh chịu hậu quả tột cùng của tội lỗi con người. Đấng Tạo hóa Toàn Năng, Đấng Tể trị trên cả cõi hoàn vũ lại đặt mình trong tay tạo vật của Ngài, để cho sự tàn ác nhất của tạo vật tác động lên Ngài. Không có sự gian ác nào của nhân loại mà Chúa không là nạn nhân; không có nỗi đau tột cùng nào của nhân loại gây ra bởi sự tàn ác của đồng loại mà Chúa không trải qua. Nhà văn, triết gia gốc Do Thái Ellie Wiesel đã kể lại trong tác phẩm Đêm (1972, tr. 75) rằng khi chứng kiến cảnh hành hình những người vô tội trong trại tập trung của Đức Quốc xã, trong đó có cả những cậu bé, ông đã thốt lên: “Đức Chúa Trời ở đâu?” Và rồi ông trả lời: “Ngài đang ở đây. Ngài đang bị treo trên giá treo cổ.” Dù dường như yên lặng, nhưng Đức Chúa Trời đảm bảo rằng Ngài thấu hiểu và vẫn đang hiện diện với tất cả những nạn nhân khổ đau của thế giới tội lỗi này, vì Ngài đã trải qua nỗi đau đó bởi tay con người và vì con người.
Thứ ba, Đấng Christ chịu khổ để giải cứu những ai tin Ngài ra khỏi nỗi đau khổ của sự xa cách Đức Chúa Trời đời đời. Trước giả thư Hê-bơ-rơ viết tiếp trong câu 9: “Và khi đã hoàn tất, Ngài trở nên cội nguồn của ơn cứu rỗi đời đời cho mọi người vâng lời Ngài.” Tại sao không chỉ là cái chết đơn giản để cứu rỗi là đủ rồi, mà phải có sự khổ đau thì Ngài mới hoàn tất công cuộc cứu rỗi con người? — Nỗi khổ đau lớn nhất của Chúa không phải những lằn roi, mão gai, đinh đóng và cái chết đớn đau trên thập tự giá. Nỗi đau lớn nhất của Ngài cũng không phải sự sỉ nhục và khinh khi của những người hành hình Ngài, vì Ngài đã cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Nỗi đau lớn nhất của Ngài là trở nên một tội nhân xa cách Đức Chúa Trời, nguồn sáng và nguồn sống. Thời khắc đáng sợ nhất đối với Ngài là lúc Ngài kêu lên: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, Lam-ma-sa-bach-ta-ni? Đức Chúa Trời của con ơi! Sao Ngài lìa bỏ con?” Đấng Thánh cũng là con người toàn hảo phải trải qua nỗi đau tột cùng trong tâm linh khi bị Đức Chúa Trời ngoảnh mặt vì cớ tội lỗi của cả nhân loại chất trên Ngài. Chỉ bằng cách đó, Ngài mới có thể đem những ai tin Ngài trở về làm hoà với Đức Chúa Trời và vui hưởng mối tương giao với Đức Chúa Trời. Sự chịu khổ của Chúa không chỉ đồng cảm mà còn để đem con người ra khỏi khổ đau, vốn là hậu quả của tội lỗi.
Trong khi kỷ niệm Chúa chịu thương khó và suy ngẫm về nguyên nhân mà Chúa Giê-xu đã chịu thống khổ vì chúng ta, người trẻ Cơ Đốc được thôi thúc điều gì? Trước hết, giữa những đau thương trong hiện tại, chúng ta được nhắc nhở rằng đau khổ không đến từ Chúa, không ở trong chính Chúa, cũng không bị phớt lờ bởi Chúa, mà được Ngài mang lấy để đồng nhất với con người trong đau khổ, giải quyết nguyên nhân của đau khổ, và giải hòa người tin với Đấng ban sự giải cứu con người ra khỏi đau khổ. Suy niệm điều đó, chúng ta được thêm lòng biết ơn và tin cậy Chúa, sống với niềm vui và hy vọng nơi Đấng đã giải cứu người tin Ngài ra khỏi khổ đau đời đời. Nếu có lần ta đã oán trách, than vãn vì lầm tưởng rằng khổ đau mình đang chịu là đến từ Chúa hoặc rằng Chúa không nhìn thấy, không thấu hiểu sự vật lộn của mình, thì chúng ta hãy đến trước Chúa, ăn năn và thờ phượng Ngài.
Kế đến, chúng ta được kêu gọi để cùng thông công trong sự thương khó với Chúa – đón nhận đau thương trong thế giới này trong tinh thần nhận biết ý nghĩa của khổ đau. Mục sư Dietrich Bonhoeffer, cũng là một nạn nhân đã bị hành hình trong trại tập trung của Đức Quốc xã, đã viết, “Đức Chúa Trời đã để cho chính Ngài bị đẩy ra khỏi thế giới, lên thập tự giá… Chỉ bằng cách đó Ngài ở với chúng ta và giúp chúng ta… Chúng ta được kêu gọi để chia sẻ sự khổ đau của Chúa trong tay một thế giới không tin kính.” (Theo Letters and Papers from Prison, ấn bản 1971, tr. 36). Nhận thức được điều này, người trẻ của Chúa không những sẵn sàng đón nhận khổ đau trong thế giới sa ngã với niềm hi vọng chắc chắn về sự giải cứu và sự sống mà Chúa ban cho, mà họ cũng sẽ chuẩn bị sự nghiệp và đời sống của mình để sẵn sàng trở nên cánh tay nối dài của Chúa, cảm thông với người đau khổ và đem đến sự chữa lành đến với thế giới chứ không sống tách biệt khỏi thế giới hay phớt lờ nỗi đau nhân thế.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta tin cậy sự cảm thông và bảo đảm của Chúa khi chính mình đang trải qua những đau khổ trong đời sống. Nguyện Chúa giúp chúng ta không thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh khổ đau, mà học tập vâng lời Chúa trong niềm hi vọng. Nguyện Chúa giúp chúng ta dự phần vào sứ mạng của Ngài để ngày càng dạn dĩ dấn thân vào thế giới và đồng cảm với thế giới khổ đau, trở nên sứ giả đem hy vọng về sự cứu rỗi đời đời cho người hư mất.
“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho người khiêm nhường”(Gia-cơ 4:6; Châm. 3:34)
Nhiều mục sư khoe khoang về những thành quả của mình trong công tác truyền giáo và xây dựng hội thánh. Sự khoe khoang nhằm tôn vinh cá nhân và xem thường công tác của người khác trong những mục vụ nhỏ bé hơn là một điều không nên có. Phao-lô, “tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.”(1 Cor. 15:10) – Mục sư Billy Graham trên đường đến London bằng tàu lửa để chuẩn bị cho một chiến dịch truyền giảng lớn. Lúc bấy giờ ông đã nổi tiếng khắp các châu lục về ân tứ truyền giảng Phúc Âm. Trên chuyến tàu ấy ông gặp một nhà truyền giáo khác ở nước ngoài trở về. Nhà truyền giáo này không nổi tiếng và ít được người khác biết đến. Hai người trò chuyện với nhau, và Billy Graham chân thành hỏi thăm về các chi tiết liên quan đến công tác của nhà truyền giáo kia. Nhà truyền giáo này lấy làm lạ vì Billy Graham không tỏ ra khoe khoang về bản thân. Lúc kết thúc cuộc nói chuyện, nhà truyền giáo hỏi Billy Graham: – Ông muốn tôi cầu nguyện cho ông điều gì? Billy Graham trả lời: – Anh hãy cầu nguyện cho tôi luôn là một người khiêm nhường.
ĐI BẰNG ĐẦU GỐI
Vì nhận biết các mục sư thường phạm tôi kiêu ngạo, nên Ban chấp sự của hội thánh A có một sáng kiến giúp đỡ cho các mục sư không kiêu ngạo thuộc linh. Họ thiết kế một lối đi nhỏ hẹp đặc biệt để đi lên tòa giảng: Mỗi lần mục sư muốn lên tòa giảng để ban phát sứ điệp Kinh Thánh bắt buộc ông ta phải quì xuống và đi bằng đầu gối. Nếu vị mục sư cẩn thận ông ta phải bò hoặc trườn mới vượt qua được lối đi này. Không có đủ không gian cho vị mục sư đứng thẳng hay là cúi khom trong đường hầm này. Ông thư ký hội thánh giải thích: – Chúng tôi làm vậy để các đầy tớ của Chúa không kiêu ngạo. Các vị được nhắc nhở phải quì xuống cầu nguyện trước khi bước lên tòa giảng. Mục sư tiến sĩ B từ nước ngoài về được mời giảng cũng phải đi qua cửa ải này của hội thánh. Sau khi đã bò qua lối hẹp đến tòa giảng ban phát sứ điệp. Rồi ông cũng bò qua lối hẹp để trở về chỗ ngồi. Sau buổi nhóm một chấp sự hỏi ông: – Mục sư thấy thế nào?– Ồ, có hơi vất vả một chút nhưng khi bò qua được con đường hầm bé nhỏ này, tôi thấy mình thực sự là một con người vĩ đại.
MỘT TÔI TỚ VĨ ĐẠI CỦA CHÚA
Một mục sư diễn giả nổi tiếng được mời đến giảng cho một hội thánh ở vùng quê. Người hướng dẫn chương trình giới thiệu: – Hôm nay hội thánh chúng ta sẽ được nghe sứ điệp Thánh Kinh từ một tôi tớ vĩ đại của Chúa. Vị mục sư đính chính ngay sau khi đứng trên tòa giảng: – Tôi chỉ là một tôi tớ hèn mọn của một Đức Chúa Trời vĩ đại.
Oneway.vn – Để xây dựng hòa bình, chúng ta phải hành động.
Dù có được sự bình an của Đức Chúa Trời trong lòng, nhưng chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới đòi hỏi phải nỗ lực mới có được bình an.
Đối với hầu hết chúng ta, thời điểm cuối năm chỉ đơn thuần là những cuộc vui. Chúng ta hối hả thực hiện cho xong những dự án còn lại, cố gắng chọn ra những món quà hoàn hảo cho bạn bè và gia đình, dành thời gian để gặp gỡ tất cả những người thân yêu, và danh sách việc cần làm vẫn tiếp tục nối dài.
Giáng sinh – mùa lễ kỷ niệm lòng biết ơn và tôn vinh Đức Chúa Jêsus – có thể dễ dàng bị phá hỏng bởi những căng thẳng và bận rộn.
Trong suốt mùa Giáng sinh, nếu dành thời gian đi nhà thờ, bạn có thể sẽ nghe lời tiên tri nổi tiếng của Ê-sai về sự xuất hiện của một Đấng Cứu Rỗi:
“Vì một Con Trẻ được sinh cho chúng ta,
Tức là một con trai được ban cho chúng ta;
Quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài.
Danh Ngài là: “Đấng Kỳ Diệu, Đấng Cố Vấn,
Đức Chúa Trời Quyền Năng,
Cha Đời Đời, Chúa Bình An” (Ê-sai 9:5).
Những “danh hiệu” này đã trở nên quá quen thuộc, đến nỗi chúng ta có xu hướng lướt qua ngay mà không cần suy nghĩ nhiều. Nhưng trong một khoảnh khắc, tôi lại chú ý vào danh xưng cuối cùng: Chúa Bình An.
Bình an,
Đức Chúa Jêsus là Chúa Bình An.
Khi tra từ “bình an” trong từ điển, bạn sẽ tìm thấy những từ đồng nghĩa như: yên tĩnh, yên lặng, hòa bình, hòa hợp, tự do,…
Ngày nay, chúng ta đang thiếu kiểu bình an đó, phải không? Bạn có cảm thấy cuộc sống mình tràn ngập sự bình an không? Có nhiều người người than vãn rằng cuộc đời họ sao yên ả quá. Vậy thế giới này cần thêm một chút ồn ào, chia rẽ và áp bức, phải không?
Bạn có muốn điều đó không?
Hãy suy nghĩ: Bạn mong muốn điều gì hơn là sự bình an? Nếu phải lựa chọn một trong hai, bạn sẽ chọn một công việc tuyệt vời, hay một cuộc sống bình an? Điều gì sẽ xảy ra nếu có người cho bạn 1 triệu đô la để đổi lấy sự bình an của bạn? Và bạn sẽ chọn một mối quan hệ yêu đương hay chọn sự bình an? Bạn muốn có được điều gì hơn là một cuộc đời bình yên?
Có lẽ sự bình an quý giá như vậy bởi vì nó quá hiếm hoi. Bình an mà Ê-sai đang nói đến là từ “Shalom” trong tiếng Do Thái. Từ ngữ đó sâu sắc hơn cả hòa bình giữa các quốc gia, hoặc một mối quan hệ không có xung đột. “Sự bình an” này được định nghĩa là “sự trọn vẹn”. Không còn mong muốn điều chi, và hoàn toàn tin cậy nơi Chúa.
Đức Chúa Jêsus chính là Chúa của sự Bình An đó.
Bình an từ Thiên Thượng
Đức Chúa Jêsus nói với các môn đồ:
“Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).
Là Chúa Bình An, Đức Chúa Jêsus có khả năng mang đến cho chúng ta sự bình an mà thế giới không thể nào sánh kịp. Ngài để lại cho chúng ta sự bình an sâu sắc và thực sự — “shalom” của Ngài.
Đức Chúa Jêsus cũng phán: “Phước cho những người hòa giải, Vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9).
Chúng ta được gọi là con cái Đức Chúa Trời nếu chúng ta là những người giảng hoà.
Điều đó có thật ý nghĩa, đúng không? Chúng ta đang thiếu vắng đi sự bình an, đặc biệt là giữa những náo nhiệt của mùa lễ này. (Có lẽ đó là lý do tại sao “Đêm yên lặng” vẫn là bài thánh ca kinh điển đáng trân trọng).
Đem đến sự bình an
Vậy tất cả những điều này có nghĩa là gì?
Chúng ta được kêu gọi trở thành người kiến tạo bình an. Ở những nơi thiếu vắng bình an, chúng ta với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời phải mang lại một chút “shalom” cho thế giới hỗn loạn này.
Hãy cho thế giới thấy sự bình an từ Chúa. Đừng đầu hàng trước cám dỗ mà lao vào tranh cạnh và tiêu xài, chạy đua với những thứ đời này. Đó không phải là điều mùa Giáng sinh hướng đến.
Kỳ lễ này, hãy dành thời gian để được bình an.
Sống chậm lại.
Suy ngẫm Lời Chúa.
Đừng gây thêm tiếng ồn; thay vào đó, hãy là người mang đến bình an.
Hãy làm việc lành, cho đi với niềm vui.
Hãy dành thời gian tĩnh lặng và biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Nằm xuống đồng cỏ xanh tươi như Thi Thiên 23, để Chúa Jêsus dẫn dắt bạn đến bên mé nước bình tịnh và làm tươi mới tâm hồn bạn.
Sự bình an thật hấp dẫn và lôi cuốn, và chúng ta có thể xây dựng cũng như và truyền bá bình an mà thế giới vô cùng khao khát.
Bài: Matt Ehresman; dịch: Jennie (Nguồn: boundless.org)
Hoạn nạn, đau khổ có thể xảy đến cho bất kỳ ai khi sống trên đời này. Có những đau khổ rõ ràng là do hậu quả mà chính chúng ta gây nên. Dù Chúa cho phép điều đó xảy ra nhưng hãy nhớ rằng Ngài không hề vui lòng khi thấy bạn chịu khổ. Chúa muốn dùng đau khổ để làm ích lợi cho bạn.
“Vì Chúa không từ bỏ ai mãi mãi. Dù Ngài có làm cho đau buồn, Ngài vẫn thương xót theo lòng nhân từ cao cả của Ngài; vì trong thâm tâm, Ngài không muốn gây khổ đau hoặc buồn bã cho con cái loài người.” (Ca Thương 3:31-33)
Tôi không biết người bạn thời trung học của mình sắp chết. Nhiều năm rồi chúng tôi không gặp, nhưng khi đi ngang qua phòng nha, thời gian như quay ngược lại trong ký ức chúng tôi. Lena đã mua cho tôi album âm nhạc mà mãi đến 25 năm sau, tôi vẫn có thể hát những bài trong đó. Chúng tôi đã cùng nhau đi nhà thờ, đi xe buýt khắp thành phố và chia sẻ với nhau ước mơ của mình. Tôi hy vọng mình sẽ viết được một cuốn tiểu thuyết vĩ đại. Còn Lena thì muốn đi du lịch vòng quanh nước Mỹ bằng xe buýt.
Mặc dù sống cùng thành phố nhưng chúng tôi rất ít khi gặp nhau sau tốt nghiệp phổ thông vì Lena đi làm còn tôi thì vào đại học. Thỉnh thoảng tôi có nghe một số người bạn nhắc đến Lena nhưng chủ yếu là những thông tin tiêu cực.
“Bạn ấy tiệc tùng nhiều lắm”, Một người nói. “Mỗi lần gặp là thấy bạn ấy đi với một chàng trai khác. Bạn ấy cũng thay đổi, giờ nhìn không nhận ra luôn ấy” – Một người khác nhận xét.
Họ đã nói đúng. Người phụ nữ mà tôi tình cờ gặp trong phòng khám nha khoa chỉ còn chút ít dáng vẻ của người bạn thời trung học. Tóc bạn ấy nhuộm màu hồng sáng. Đôi má trước đây phúng phính thì giờ hóp lại, khiến gò má nổi bật lên. “Cậu nhìn thật ấn tượng đấy”, tôi gửi lời chào cách khách sáo và nhẹ nhàng choàng tay ôm lấy người bạn đã rất lâu không gặp, nhưng cũng không dám ôm chặt vì sợ sẽ làm tổn thương đến dáng vẻ mảnh mai, gầy gò ấy.
Nói chuyện được một lúc, cuộc trò chuyện dần chuyển sang vấn đề thuộc linh.
“Mình đã muốn học Kinh Thánh lại nhưng không biết bắt đầu thế nào”, Lena chia sẻ.
“Ồ, vậy tại sao chúng ta không học với nhau”, tôi nói. Cô ấy đồng ý, và chúng tôi quyết định mỗi tối thứ Ba sẽ gặp và cùng học Kinh Thánh trong sách 1 Phi-e-rơ.
Vào đêm đầu tiên của buổi học, Lena nói cô ấy sắp chết. Lối sống những năm qua đã dẫn Lena đến với một căn bệnh hiểm nghèo. “Lúc đầu mình cảm thấy ổn nhưng rồi cơ thể ngày càng ốm đi. Các bác sĩ đã thử một số phương pháp điều trị khác nhau, nhưng dường như đều không có hiệu quả”, Lena chia sẻ.
Khi đang nói chuyện về vấn đề thuộc linh, nhất là liên quan đến cái chết, tôi đã đặt câu hỏi vốn đè nặng trong lòng mình.
“Lena, cậu có biết chắc rằng sau khi chết cậu sẽ lên thiên đàng không?”
“Ừm”, cô ấy đáp một cách nhẹ nhàng, nâng đôi mắt đẫm lệ nhìn tôi. “Khi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh, mình đã giận Chúa. Mình biết Ngài có thể ngăn mình khỏi bị bệnh. Nhưng sau đó mình nhận ra nếu không bị bệnh thì mình sẽ tiếp tục lối sống tội lỗi, xa cách Chúa. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng chính căn bệnh này lại là cái phước của mình, nó giúp mình quay trở lại với Chúa”.
Câu Kinh Thánh trong Ca Thương 3:33 cho thấy tấm lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đối với những đứa con hoang đàng của Ngài: “Vì trong thâm tâm, Ngài không muốn gây khổ đau hoặc buồn bã cho con cái loài người.” Câu tuyên bố xoáy động tâm can này nhắc nhở chúng ta rằng dù Chúa để cho những hậu quả tự nhiên của tội lỗi tác động đến cuộc sống của chúng ta, nhưng Ngài không mong muốn hay vui lòng về điều đó. Câu 32 cho biết, “Dù Ngài có làm cho đau buồn, Ngài vẫn thương xót theo lòng nhân từ cao cả của Ngài”.
Lena sống thêm được sáu tháng từ khi chúng tôi kết nối lại với nhau. Chúng tôi đã cười, đã khóc và cùng nhau học hỏi Lời Chúa. Cơ thể bạn ấy yếu đi mỗi ngày nhưng tâm linh thì ngày càng mạnh mẽ. Lena không bao giờ nghi ngờ mục đích lớn hơn của Đức Chúa Trời đối với căn bệnh của mình, và sự tin cậy của bạn nơi tấm lòng nhân từ cao cả của Chúa dành cho chính mình không bao giờ chuyển lay. Bạn ấy biết rằng dù thân thể có chết đi thì linh hồn vẫn sống đời đời và ở với Chúa trong nước thiên đàng thì tốt hơn được sống cả đời mà không có Ngài.
Đồng hành với Lena trong chặng đường cuối cùng, tôi một lần nữa hiểu được tấm lòng của Đức Chúa Trời. Ngài không hề lấy làm vui lòng khi nhìn thấy chúng ta gánh chịu những hậu quả do sự không vâng lời của mình. Thay vào đó, Ngài khóc với chúng ta.
Bạn đã bao giờ cảm thấy đau đớn khi chứng kiến hoàn cảnh khổ sở của một ai đó đến từ hậu quả của tội lỗi họ? Hoặc cũng có thể bạn đang ở trong cuộc chiến như vậy ngay lúc này. Hãy đến với Chúa và trò chuyện với Ngài ngay lúc này. Hãy xưng tội và ăn năn với Ngài về những tội lỗi đã ngăn trở mối liên hệ của bạn với Ngài. Hãy nói với Ngài về những đau đớn, tổn thương, thất vọng và sợ hãi của bạn. Hãy chân thành mở lòng mình ra với Chúa vì Ngài biết và thấu hiểu tất cả. Hãy cầm lấy thuẫn đức tin của bạn ngay lúc này!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù điều gì có xảy ra đi nữa con vẫn sẽ tin cậy nơi Ngài. Con hiểu rằng những gì Chúa cho phép xảy ra trong cuộc sống của con là để ích lợi cho con. Xin ban cho con đức tin và sự can đảm để bước đi trên con đường mà Ngài đã chuẩn bị. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Quý thính giả thân mến, Chúa không hề vui lòng khi thấy bạn đau đớn gánh chịu những hậu quả do tội lỗi mang đến. Tuy nhiên Chúa cho phép điều đó xảy ra để phục hồi đời sống đức tin của bạn. Vì vậy, hãy xét lại đời sống của mình ngay lúc này. Những điều đang diễn ra nhắc bạn như thế nào về mối liên hệ của bạn với Chúa?
Cảm tạ Chúa bởi sự ban phước và xức dầu của Ngài, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày của Oneway không chỉ đem đến sự khích lệ đời sống thuộc linh cho phần đông tín hữu mà còn giúp nuôi dưỡng và phát triển đức tin cho nhiều tân tín hữu ở khắp nơi.
Một tân tín hữu đã gởi lời nhắn hết sức chân thành đến ban biên tập của chương trình như sau: “Mình rất cảm ơn ban biên tập của Oneway radio về những video chia sẻ lời Chúa vào mỗi buổi sáng. Nội dung của các video trong kênh thật ý nghĩa và mang đến sự bình an diệu kỳ cho người nghe. Mình mới tin nhận Chúa và cũng mới biết đến Oneway Radio. Mỗi sáng mình nghe Oneway Radio và hướng lòng mình về Chúa, mình lại thấy được hiểu thêm về Chúa và cảm nhận rõ hơn về tình yêu của Ngài qua những câu chuyện, những ví dụ trong đời sống hằng ngày mà Oneway chia sẻ”
Quả thật đây là một trong những phản hồi đầy khích lệ mà chúng tôi nhận được. Nếu quý vị được khích lệ qua chương trình, vui lòng bấm theo dõi kênh, chia sẻ chương trình này cho bạn bè người thân để mọi người có cơ hội được tiếp cận với lời Chúa mỗi ngày. Ngoài ra, nếu quí vị có thắc mắc, góp ý, cần được tư vấn, hay muốn tìm hiểu thêm về Chúa xin hãy chia sẻ cùng với chúng tôi bằng cách để lại bình luận trên YouTube, Facebook, gửi email về địa chỉ [email protected], hoặc gọi điện trực tiếp về số điện thoại 0896 164 199. Nếu quý vị muốn dự phần dâng hiến cho chương trình này, xin liên hệ với Oneway qua các phương cách trên để được hướng dẫn.
Trong 10 môn học cho Quản nhiệm có môn Giảng Giải Kinh. Môn Giảng giải kinh có 3 cách soạn giảng:
1/ Soạn giảng theo một phân đoạn Kinh thánh.
2/ Soạn giảng theo Câu gốc.
3/ Soạn giảng theo một Chủ đề.
Soạn giảng theo một phân đoạn Kinh thánh Phải theo các bước cơ bản sau đây và theo nguyên tắc đọc kỷ đoạn văn và để Đức Thánh Linh soi dẫn:
1/ Nghiên cứu đoạn văn.
2/ Giải nghĩa các từ ngữ khó hiểu.
3/ Tìm ý chính của đoạn văn.
Sau khi nắm bắt được ý chính của Đoạn kinh văn, – Lựa chọn chủ đề thích hợp cho bài giảng của mình.
– Soạn một dàn bài tổng quát.
– Soạn chi tiếc cho dàn bài tổng quát :
– Giải nghĩa từng phần theo thứ tự của dàn bài tổng quát.
– Ghi các câu Kinh thánh hay ca dao tục ngũ để minh hoạ cho phần giảng giải .
– Ghi thời lượng cho từng phần ( tránh tự do làm mất cân đối thời gian của bài giảng, thậm chí giảng chưa được nữa bài giảng đã hết thời gian quy định). Muốn vậy người giảng phải giảng thử trong phòng riêng để điều chỉnh.
Lưu ý:
1/ Đây là môn học hoàn toàn có tính cách Sư phạm nhưng vì giảng giải Kinh nên nó cũng hoàn toàn thuộc tính Thần học. Nói như vậy cũng có nghĩa là khi soạn giảng chúng ta phải áp dụng nguyên tắc sư phạm ( một người không am hiểu sư phạm không thể giảng dạy môn này được. Và ngược lại người biết sư phạm mà không biết hay biết quá ít về thần học Cơ đốc thì cũng không thể dạy hay học môn Giảng Giải Kinh được. Do đó người học môn này nên học trước môn” Phương Pháp học Kinh thánh và quy luật giải kinh.” Nói theo nghĩa bóng là không có gạo thì không nấu cơm được! Nếu một lớp học gồm những người học mà chưa hiểu biết kinh thánh ở múc độ cần thiếc thì không thể thục hiện được!
2/ Đây là lời ghi chú đăc biệt trong sách giáo khoa của môn học này. ” Bài giảng giải kinh hay đến đâu đi nữa mà không có áp dụng vào cuộc sống cho người nghe thì coi như bài giảng đó là Vô Giá Trị .” Do đó trong quá trình soạn bài giảng chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa cho người soạn bài giảng thấy được vấn đề nầy và đưa vào phần soạn bài giảng. Chẳng những đưa vào mà còn dành thì giờ ưu tiên để giảng giải về vấn đề nầy. Có thể lắm một số trong chúng ta được sự kêu gọi của Chúa vào chức vụ chăn bầy trong những trường hợp ” Chửa cháy” nên phần học và hiểu Kinh thánh còn rất hạn chế nên rất khó khăn trong môn học này. Muốn vượt qua khó khăn này anh chị em ở trong hoàn cảnh này phải nhờ Chúa nổ lực bổ sung những môn cần thiết với sự hổ trợ hướng dẫn của những người đi trước; ngoài ra không có cách nào khác! Trong khoá học môn ” Giảng Giải Kinh cao cấp.” có câu trích dẫn câu nói của một nhà giảng giải kinh: ” Khi soạn bài giảng thì phải hoàn toàn để Đức Thánh Linh dẫn dắt, nhưng khi giảng thì dường như không có Đức Thánh Linh ” !
Anh chị em muốn tham khảo bài soạn giảng cho đề tài này thì vào trang mạng: hoitinlanhlienhiep.com
Trong Đông y có bài thuốc “ thập toàn đại bổ”, nghĩa là 10 vị thuốc khi uống vào cơ thể bồi dưỡng sức khỏe. Trong Chúa có 10 câu Kinh Thánh Thần Dược. Cơ đốc nhân cần thuộc lòng:
1.Ta đã bảo các con những điều này, để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33)
2. “Đừng nhớ lại những việc đã qua, cũng đừng nghĩ đến chuyện thuở trước. Nầy, Ta sắp làm một việc mới! Bây giờ nó đang hiện ra mà các con không biết sao? Ấy là Ta sẽ vạch một con đường trong hoang mạc, và khiến những dòng sông chảy nơi đất khô cằn” (Ê-sai 43:18-19)
3. “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6)
4. “Chẳng phải Ta đã truyền phán với con sao? Hãy mạnh dạn, can đảm! Chớ run sợ, chớ kinh hãi! Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con vẫn ở cùng con trong mọi nơi con đi” (Giô-suê 1:9)
5. “Trước kia tôi còn trẻ, nay đã già, tôi chẳng hề thấy người công chính nào bị bỏ, hay dòng dõi người ấy đi ăn mày” (Thi-thiên 37:25)
6. “Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jesus” (Phi-líp 4:7)
7. “Xin khiến sự gian ác và lời dối trá cách xa con; đừng để con nghèo khổ hoặc giàu sang, xin cho con lương thực đủ dùng” (Châm-ngôn 30:8)
8. “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; hãy mạnh mẽ và can đảm! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va!” (Thi-thiên 27:14)
9. “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài luôn chăm sóc anh em” (1 Phi-e-rơ 5:7)
10. “Vì anh em biết ân điển của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, Ngài vốn giàu nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để bởi sự nghèo khó của Ngài, anh em trở nên giàu có” (2 Cô-rinh-tô 8:9)