Hội Tin Lành Liên Hiệp

Vinh hiển thuộc về Chúa

BILLY GRAHAM – VỊ SỨ GIẢ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Oneway.vn – Được mệnh danh là Sứ giả của Đức Chúa Trời, cả cuộc đời, sự nghiệp và trong sứ mệnh của mình, Billy Graham đã mang Phúc Âm đến cho hàng tỷ người trên thế giới.

Bằng phong cách thuyết giảng mềm mỏng, ông khá khác biệt so với những nhà truyền giáo Tin Lành khác.

Hơn 60 năm qua, ông đã thuyết giảng trực tiếp cho trên 200 triệu người tại 185 quốc gia, và hàng trăm triệu người đã tin nhận Chúa Jesus. Ngoài ra, qua các chương trình phát thanh, truyền hình, Viện Nghiên cứu Gallup (Mỹ) đã ước tính khoảng trên 2 tỷ người đã được nghe Phúc Âm ông chia sẻ.

Được biết, những thính giả đầu tiên của ông chủ yếu là người da trắng, tầng lớp trung lưu và bảo thủ. Cho đến khi phong trào dân quyền có được bước tiến, ông bắt đầu công khai thuyết giảng để chống lại nạn phân biệt chủng tộc và gây dựng tình bạn với Martin Luther King.

Ông tên thật là William Franklin Graham Jr., sinh ngày 7/11/1918, lớn lên tại trang trại bò sữa của gia đình ở Charlotte, North Carolina, Mỹ. Cha mẹ ông là thành viên của Associate Reformed Presbyterian Church (Liên hiệp Cải cách Giáo hội Trưởng lão).

Chàng thanh niên Billy Graham đáp lời kêu gọi của Chúa vào thời điểm bức ảnh tốt nghiệp này được chụp. (Nguồn: GettyImage)

Khi thời kỳ Prohibition (thời kỳ cấm rượu ở Mỹ) chấm dứt vào năm 1933, cha ông đã bắt ông uống bia cho đến khi… đổ bệnh, để thuyết phục ông về những nguy hiểm từ chúng! Và rồi ông đã bài trừ rượu bia trong suốt cuộc đời mình.

Thực tế ông đã cam kết dâng đời mình cho Chúa khi ông mới16 tuổi, sau khi nghe bài giảng của nhà truyền giáo du mục Mordecai Ham. Ban đầu, ông phục vụ như một Truyền đạo tuyên úy trong quân đội cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, ông trở về và học tại Học viện Kinh Thánh ở Florida. Tại đây, ông kết hôn với bà Ruth McCue Bell.

Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành nhà truyền giáo toàn thời gian trong chương trình Youth for Christ (Tuổi trẻ cho Đấng Christ).

Nạn phân biệt chủng tộc

Trong thời kỳ suy thoái, Billy Graham từng làm nhân viên bán hàng lưu động, thật không ai có thể ngờ rằng ông sẽ trở thành một trong số nhà truyền giáo vĩ đại nhất thế giới.

Năm 1949, ông được chú ý nhiều hơn khi thuyết giảng 8 tuần liền trong một khu nhà lều khổng lồ ở Los Angeles – nơi sau này được gọi là Nhà thờ lều bạt Canvas.

Billy Graham (trái) tại Nhà thờ Canvas cùng Giám đốc âm nhạc Cliff Barrows. (Nguồn: GettyImage)

Phong trào dân quyền ngày càng phát triển giúp Billy Graham nhìn nhận lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ. Lúc đầu vẫn còn mơ hồ về tính cấp thiết của sự thay đổi, nên đầu những năm 1950, ông vẫn thuyết giảng ở những nơi thính giả bị phân biệt. Nhưng khi tòa án đưa ra phán quyết rằng phân biệt chủng tộc ở Mỹ là trái luật, Graham đã mạnh mẽ đặt ra yêu cầu chỉ thuyết giảng ở những nơi thính giả không bị phân biệt đối xử.

Từ đó, ông công khai chống nạn phân biệt chủng tộc, và tin rằng nó “chống lại Đức Chúa Trời, chống Đấng Christ, chống Kinh Thánh và chống mọi tôn giáo”. Mục vụ Truyền giáo của ông thành công khắp nước Mỹ, Billy Graham bắt đầu đưa Phúc Âm ra khắp thế giới, khởi đầu tại London năm 1954.

Nhu cầu rất lớn

Vào thời điểm đó, chỉ có 10% người Anh đến nhà thờ thường xuyên, so với 50% ở Mỹ. Nên Billy Graham đã phải đối mặt với truyền thông Anh không mấy thân thiện, họ bắt đầu phỉ báng động cơ của người đàn ông đến từ Mỹ, và những lời kêu gọi từ một nghị sĩ lên tiếng cấm ông đến nước Anh.

Nhưng cuối cùng, cậy ơn Chúa, ông đã thực hiện được sứ mệnh lớn lao của mình tại một khán phòng với 12.000 chỗ, cạnh đường đua Vận động trường Harringay – London.

Hàng ngàn người đến để nghe ông Billy Graham chia sẻ tại London năm 1954. (Nguồn: GettyImage)

Một nhu cầu nghe Phúc Âm lớn và rất lớn, khi sân vận động được lấp đầy mỗi tối liên tục suốt… 3 tháng.

Chương trình truyền giảng cuối cùng trong cuộc “thập tự chinh” nước Anh của ông được tổ chức tại sân vận động Wembley, 120.000 người nghe Billy Graham chia sẻ về những gì ông nhận được ở London: “Các buổi truyền giảng vượt xa những gì chúng tôi hy vọng” – ông nói với đám đông. “Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang hành động trên khắp nước Anh, mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt thế kỷ qua!”. Đây cũng là mốc khởi đầu cho hàng loạt buổi truyền giảng khắp thế giới.

Quan tâm đặc biệt

Những cuộc “thập tự chinh” của ông luôn được lên kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết. Khi danh tiếng của ông tăng lên, những người tin nhận Chúa cũng tăng lên, từ New York cho đến Nigeria, khắp Âu, Á, Phi… Tại Hàn Quốc, hơn một triệu người đã bật khóc khi nghe ông giảng.

Tình bạn nhiều thăng trầm giữa ông Billy Graham và Tiến sĩ Martin Luther King Jr.. (Nguồn: BillyGraham.org)

Năm 1957, ông mời Martin Luther King – nhà lãnh đạo phong trào dân quyền diễn thuyết cùng ông trong đợt truyền giảng kéo dài 16 tuần tại New York với trên 2 triệu người tham dự.

Và khi Billy Graham quay trở lại Anh năm 1966, ông đã được đối xử như một thành viên của Hoàng gia. Trong buổi truyền giảng tại Earl’s Court, ca sĩ, ngôi sao điện ảnh Cliff Richard đã tin nhận Chúa.

Nhiều năm trôi qua, đã có không ít cuộc tranh luận về “kỹ thuật” mà ông sử dụng trong các buổi truyền giảng, trở thành tâm điểm thảo luận… Nhưng điểm quan trọng nhất trong các buổi truyền giảng của ông vẫn luôn là những lời kêu gọi tha thiết, rằng con người luôn luôn và rất cần Chúa, hãy trở lại với Ngài… Nhiều người được khuyến khích bước lên sân khấu làm chứng về sự “tái sinh” trong đức tin mình. “Mỗi lần có cơ hội, tôi luôn cố gắng bày tỏ, chia sẻ cho những người tôi gặp gỡ biết về Tin Lành của Chúa Jesus Christ” – ông nói.

Trong sứ mệnh kéo dài suốt 60 năm, ông đã rao giảng trực tiếp về Tin Lành cho nhiều người hơn bất kỳ ai, bất kỳ nhà truyền giáo nào trên thế giới. Chiến dịch truyền giảng cuối cùng của ông diễn ra ở New York tháng 6/2005, khi ông đã 86 tuổi, ông nói với giáo đoàn: “Tôi biết mình không còn nhiều thời gian nữa…”.

Ông cũng là Mục sư và nhà tư vấn đức tin cho nhiều đời tổng thống Mỹ – bao gồm Tổng thống Bill Clinton. (Nguồn: GettyImage)

Ngoài truyền giáo ra, ông còn tận hiến cho sự hiệp một trong đức tin với tín lý “phi hệ phái”. Ông cũng là Mục sư và nhà tư vấn đức tin cho nhiều đời tổng thống Mỹ.

Sự thu hút trong các bài giảng của Nhà Truyền giáo huyền thoại Billy Graham và các lời làm chứng biến đổi sống động đã chạm đến trái tim và cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới. Và, điều cốt lõi trong sứ điệp của ông luôn là sự vui mừng, bình an đời đời mà ai cũng có thể tìm được qua sự  cứu chuộc của Đức Chúa Trời.

Jane Nguyễn dịch

(Nguồn: bbc.com)

Single Post Navigation

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *